“Chuột F1” và quảng cáo sáng tạo

TTCN – Thử tưởng tượng bạn đang lướt net với tốc độ của chiếc xe đua công thức 1 mà người cầm lái là tay đua hàng đầu thế giới Michael Schumacher. Điều này thật khó tin khi phần lớn khách hàng đều phàn nàn dịch vụ Internet qua đường truyền ADSL tại VN ngày càng trở nên chậm chạp.

Nhưng ít ra ý tưởng này đã giúp mẩu quảng cáo Mega VNN của Công ty Netsoft được Liên đoàn Các hiệp hội quảng cáo châu Á (AFAA) bình chọn là mẩu quảng cáo hay nhất của VN năm 2005.

Tốc độ tối đa, giá cước tối thiểu” (zooming speed, smoothing cost) là thông điệp mà Netsoft đưa ra trong mẩu quảng cáo Mega VNN. Một con chuột máy tính cách điệu được đặt lên bốn chiếc bánh của chiếc xe F1.

Với hình ảnh ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa ấy, mẩu quảng cáo “Chuột F1” do Công ty quảng cáo StormEye thực hiện là mẩu quảng cáo duy nhất của VN được AFAA chọn đăng trong cuốn The Gold Book 2005 – một tập hợp những tác phẩm được xem là sáng tạo nhất, độc đáo nhất của thị trường quảng cáo châu Á.

Philippines vượt lên tất cả các quốc gia châu Á để “thống trị” The Gold Book với 12 mẩu quảng cáo được chọn. Trong đó, mẩu “Giày giả làm hỏng chân thật” (fake hurts real) của Adidas do Công ty TBWASantiago Mangada Puno thực hiện được xem là có thông điệp đơn giản nhưng tỏ ra rất hiệu quả.

Hai bàn chân trên hai bản in riêng biệt, một bên bị băng bó bởi các vết thương gây ra do chủ nhân của nó mang phải đôi giày dỏm, bên kia là một bàn chân khỏe mạnh, hồng hào nhờ mang… Adidas (hãng này không trưng ra chiếc giày một cách thô thiển mà chỉ là logo của hãng được cách điệu thành ba miếng băng keo dán song song trên chân). Adidas muốn nói gì? Rằng giày giả được làm rất cẩu thả, vì thế sẽ không thể bảo vệ đôi bàn chân thân yêu của bạn!

The Gold Book không chỉ tôn vinh những sáng tạo của các hãng kinh doanh. Cuốn sách đã không bỏ quên những mẩu quảng cáo “phi lợi nhuận” của các chính phủ hướng đến lợi ích của toàn cộng đồng. Mẩu quảng cáo “Người đàn ông sáp” (candleman) của Hội Ung thư Singapore là một thông điệp mạnh mẽ mà tổ chức này gửi đến những người dân nghiện thuốc lá của mình.

Trên đôi môi người đàn ông làm bằng sáp có gắn một điếu thuốc, một chiếc quẹt lửa đã bật sẵn sàng. Khi ông đốt thuốc, những giọt sáp nóng bỏng sẽ chảy xuống, thiêu rụi cả người. Hình ảnh này có thể làm người xem ngậm ngùi: thuốc lá có hại là thế, cuộc đời ngắn ngủi là thế!

Đi tìm người tiêu dùng “thông minh”

Theo ông Nguyễn Nam Trung, giám đốc Công ty quảng cáo StormEye, hầu hết những mẩu quảng cáo được AFAA chọn đều thuộc lĩnh vực quảng cáo sáng tạo. Đó là dạng quảng cáo ghi lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng bằng cách khéo léo để người xem tham gia, tự ý “học” và ghi nhận nhãn hiệu được quảng cáo vào trí nhớ của mình.

Ông Trung cho rằng lâu nay các hãng sản xuất thường “giội bom” người tiêu dùng bằng cách để các mẩu quảng cáo xuất hiện khắp nơi, thậm chí leo lên cả… cột điện. Người tiêu dùng nhìn nhiều quá đâm “nhớ” nên sản phẩm đi vào tiềm thức của họ rất tự nhiên. “Chúng tôi gọi đó là dạng quảng cáo “dạy” người tiêu dùng một cách thụ động” – ông Trung nói.

Còn theo xu hướng quảng cáo hiện nay, các mẩu quảng cáo trở nên thông minh hơn, gợi mở nhiều điều hơn, chạm đến những giá trị cảm xúc và tinh thần, “kích hoạt” bộ não của người tiêu dùng, buộc họ phải đi tìm câu trả lời cho riêng mình.

Thị trường VN cũng đã xuất hiện nhiều mẩu quảng cáo rất sáng tạo. Một hãng sản xuất thuốc nhỏ mắt “bổ dưỡng” của Mỹ tung ra mẩu quảng cáo mang gương mặt của một cô gái trẻ. Đôi mắt của cô, một bên long lanh, rạng rỡ, một bên mệt mỏi, u buồn. Giữa sống mũi thanh tú của cô mang dòng chữ “Đàn ông thật lạ”.

Người xem ngẩn ngơ tự hỏi công ty này muốn nói gì, nhưng nhìn xuống bên dưới thì bật cười thú vị khi thấy: “Chỉ vì yêu một ánh mắt mà cưới nguyên một người phụ nữ”. Câu nói này đã quá quen thuộc khi nói về những cuộc tình lãng mạn, nhưng đem vận dụng vào quảng cáo tại thị trường VN thì lại là một sáng tạo không ngờ!

Tuy nhiên, các công ty quảng cáo cảnh báo rằng không phải mẩu quảng cáo sáng tạo nào cũng đem lại thành công cho các doanh nghiệp, thậm chí có thể gây tác dụng ngược. Rủi ro sẽ đến ở những thị trường mà đa số người tiêu dùng khá “lười” suy nghĩ. Cái họ muốn là những hình ảnh sống động, những thông điệp trực tiếp, những câu nói dễ hiểu.

“Tôi cho rằng nhà sản xuất và công ty quảng cáo phải xác định cho được phân khúc thị trường của mình, trình độ của người tiêu dùng, mục tiêu, mức độ hiểu và “thấm” quảng cáo của họ thì mới có thể quyết định nên “sáng tạo” đến đâu thì hiệu quả” – ông Trung khẳng định.

theo Tuôi trẻ Online

Leave a comment